Di tích lò nung cổ Khu_di_tích_lò_gốm_Tam_Thọ

Khu lò gốm Tam Thọ nhìn từ bên ngoài là các gò đất nhô cao, được nhà khảo cổ người Thụy Điển Olov Janse phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2 năm 1937[1], lúc đó thuộc tổng Viễn Chiếu, phủ Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

Tại thời điểm được phát hiện, khu lò gốm Tam Thọ là di tích lò nung gốm cổ duy nhất ở Đông Dương. Từ đó đến nay, đã có trên 10 khu lò gốm thuộc giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên được phát hiện và nghiên cứu tại Việt Nam. Tuy nhiên, khu lò gốm Tam Thọ vẫn là khu lò có quy mô lớn nhất, niên đại sớm nhất trong giai đoạn 10 thế kỷ đầu công nguyên. Trong các năm từ 1937 đến 1939, Janse đã tiến hành khai quật 8 lò nung cổ tại đây. Kết quả nghiên cứu về công trình khai quật của Janse về khu lò gốm Tam Thọ được công bố trong 3 tập sách "Nghiên cứu khảo cổ học Đông Dương": tập I (1947), tập II (1951), tập III (1958) và "Bí mật của cây đèn hình người" (Stockhom 1959).[1]

Trong phạm vi hơn 1 km dọc theo kênh Đô nằm giữa hai làng Tam Thọ và Văn Vật, có hàng chục gò đất lớn chứa các lò nung gốm cổ, mỗi gò có chu vi rộng 30 m đến 40 m, chứa ít nhất 3 lò gốm cổ. Tại khu vực gò Quyến thuộc làng Tam Thọ, trong cuộc khai quật năm 2001, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra dấu vết của 6 lò gốm cổ. Nền của các lò nung được tôn lên nhiều lần chứng tỏ các lò này còn được sử dụng lâu dài về sau.[1]

Ngoài ra, cũng trên rìa dọc kênh Đô đoạn giữa 2 làng Tam Thọ và Văn Vật còn có một hệ thống lò sành niên đại từ thế kỷ 16 đến thế kỷ 18. Khu lò sành này được coi là gạch nối truyền thống sản xuất gốm trước và sau thời kỳ Bắc thuộc của khu vực này.[1]